Nếu những món ăn như vịt xáo măng, vịt nướng cháo, vịt rang muối, vịt xào sả ớt,… giúp bạn thay đổi khẩu vị cho cả gia đình thì có nhiều món ăn hấp dẫn khác từ vịt giúp bồi bổ sức khỏe mà không kém phần hấp dẫn.
NGUYÊN LIỆU LÀM VỊT TIỀM
1,5kg vịt đã làm sẵn (nguyên con hoặc nửa con)
1 quả dừa xiêm
30gram gừng
30gram hành tím
100ml rượu trắng
200gram cà rốt
200gram củ đậu
Vài tai nấm đông cô
1 chút nấm rơm
CÁCH NẤU VỊT TIỀM THƠM NGON, KHÔNG LO BỊ NGẤY
Sơ chế nguyên liệu
Bước 1:
Dừa xiêm tách phần vỏ để lấy nước cốt. Để riêng nước dừa trong 1 cái tô lớn.
Gừng, hành tím lột bỏ vỏ ngoài rồi đem đập dập và giã nhuyễn.
Nấm đông cô ngâm với 1 chút nước ấm cho mềm rồi đem rửa sạch.
Cà rốt, củ đậu làm sạch vỏ ngoài rồi cắt miếng dày 0,5cm, tỉa hoa cho đẹp mắt.
Bước 2:
Vịt rửa sạch với nước rồi dùng gừng đập dập trộn với 1 chén rượu trắng để chà sát lên da của con vịt. Làm như vậy 2 phút rồi lại rửa vịt với nước cho da vịt trắng và bay hết mùi hôi khó chịu.
Chặt thịt vịt thành những miếng vừa ăn và cho vào tô ướp gia vị theo công thức sau: 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê bột canh, 1 thìa canh rượu trắng, 1 chút gừng giã nhuyễn trong 30 phút. Bạn hãy đảo đều thịt vịt với gia vị để thịt thẩm thấu được gia vị.
Chế biến vịt tiềm
Bước 3:
Xếp các nguyên liệu vào nồi theo thứ tự sau: Nấm đông cô xếp ở dưới cùng rồi đặt thịt vịt vào. Các nguyên liệu còn lại gồm củ đậu, gừng bạn xếp xung quanh và lên trên bề mặt của thịt vịt.
Xong xuôi, đổ nước dừa xiêm vào nồi sao cho nước xâm xấp với các nguyên liệu là được.
Bước 4:
Đặt nồi lên bếp, đậy kín vung và đun trong lửa vừa. Nếu bạn dùng nổi thường, khi thấy nước bắt đầu sôi, bạn vặn lửa nhỏ lại và nấu tiếp trong 1 giờ đồng hồ. Nếu dùng nồi áp suất, khi nước dừa bắt đầu sôi thì bạn hạ nhỏ lửa và chỉ cần đun thêm 15 phút nữa là được.
Trong quá trình đun, bạn nên mở nắp nồi vịt tiềm thêm 2 – 3 lần để hớt bọt nổi lên. Cách đó giúp món ăn sạch và nước dùng trong hơn.
Bước 5:
Trước khi tắt bếp khoảng 5 phút, bạn cho cà rốt và nấm rơm vào để nấu cùng và nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn. Các nguyên liệu này phải cho vào nồi sau cùng vì chúng nhanh chín, đun lâu có thể dễ nát làm món ăn mất ngon.
Cách làm món vịt nấu măng tươi thơm ngon ăn kèm với bún
NHỮNG LƯU Ý KHI CHẾ BIẾN VỊT TIỀM
Cách chọn vịt làm món vịt tiềm
Để món vịt tiềm ngon, bạn hãy chọn những con vịt có đặc điểm như sau:
Chọn vịt trưởng thành, da dày và không có lông tơ.
Chọn những con vịt có mỏ to, mềm vì đây là là loại vịt khỏe mạnh.
Không chọn những con vịt quá béo vì ăn rất ngấy, thay vào đó hãy chọn những con vịt có thịt chắc, thân hình đầy đặn.
Gợi ý cách nấu vịt tiềm với thuốc bắc
Cùng với thịt vịt và các nguyên liệu gia vị tẩm ướp, bạn hãy chuẩn bị thuốc bắc để làm món ăn này gồm:
100 gram hạt sen
100 gram quả ma-rông,
50 gram kim châm,
200 gram củ năng,
50 gram bạch quả
100 gram táo khô
Vẫn giữ nguyên cách ướp thịt vịt và cách nấu, bạn chỉ cần chú ý ở bước sơ chế các nguyên liệu trong “combo” thuốc bắc này. Hạt sen cầm luộc qua nước sôi cho tróc vỏ và mềm; các nguyên liệu còn lại cần ngâm nước, rửa sạch và thái miếng nhỏ (nếu cần) trước khi cho vào nồi tiềm vịt cùng nước dừa.
Thời gian tiềm vịt thuốc bắc khoảng 40 phút đến 1 tiếng là được.
Cách nấu vịt tiềm với ngũ quả
Một số nguyên liệu riêng bạn cần chuẩn bị thêm khi làm vịt tiềm ngũ quả gồm:
50 gram nấm đông cô + 50 gram nấm mèo
20 gram táo tàu khô
50 gram bo bo
20 gram nấm kim châm
100 gram củ năng
250 gram nạc dăm
Khác: 1 chút hạt sen khô, cà rốt, táo tàu khô.
( Lưu ý: Nếu không thích nguyên liệu nào bạn có thể loại bỏ chúng khỏi món ăn của mình, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến hương vị của món ăn).
Cách nấu món vịt tiềm ngon với hạt sen
Bạn cần chuẩn bị 100 gram hạt sen khô cùng 100 gram nấm hương để nấu món ăn này. Ngâm hạt sen và nấm hương trong nước âm ấm cho mềm trước khi cho vào nồi tiềm vịt cùng với nước dừa và các gia vị khác.
Có thể nhận thấy, bạn có nhiều cách nấu món vịt tiềm ngon với các nguyên liệu khác nhau. Sự biến tấu này giúp thay đổi khẩu vị dễ dàng và mang đến cho bạn những hương vị mới từ thịt vịt.