Cập nhật thông tin chi tiết về Món Ngon Từ Cây Hoa Ban mới nhất trên website X-bikeman.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
Mới đầu là đắng, rất đắng rồi thức chấm cay, nhưng hậu ngọt dần, ngọt đến phồng cả mồm mà vẫn chẳng muốn dừng lại.
Buông đũa, đặt bát vẫn thèm, mà có phải nem công, chả phượng gì cho cam, chỉ là lá ban đồ chấm với chẩm chéo hay chéo pá, canh hoa ban hầm móng giò, hoa ban xào và hoa ban hấp nộm…
Rau rừng vào phố
Hoa ban vào mùa, lá non thì còn hiếm, chứ hoa chuẩn bị trắng rừng, trắng núi, hồng chiềng, hồng mường.
Cái loại hoa nhu nhú, chúm chím như cánh bướm khép he hé kia đem hầm mới sướng. Còn lá non thì đầy, cây ban rừng Tây Bắc lý thú lắm, đang mùa đông, sắp Tết nó ra hoa trắng cây, thậm chí là trắng cả mấy chục cây số rừng dọc theo đường mòn. Hoa nở đến đâu, lá non ra tới đó. Nhưng cũng không phải tất cả những cây ban đều theo quy luật, có cây vừa ra hoa, vừa ra lá non, lại cũng có cây còn ra lá non trước khi ra hoa, bởi thế hôm nay tôi mới mời ông bạn đi ăn hoa, ăn lá.
Chúng tôi kéo nhau ra quán ăn bình dân Lò Hoa ngay đầu sân vận động phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) để thưởng thức đặc sản từ rừng, một món ăn thật dân dã của đồng bào Thái đen, Thái trắng, nhưng ăn một lần là nhớ suốt đời…
Khi đi du lịch vùng Tây Bắc, nếu thưởng thức món này, bạn có thể ghé qua quán ăn bình dân Lò Hoa ngay đầu sân vận động phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La)
Các món ngon từ hoa, lá ban: Hoa ban xào, canh hoa lá ban hầm móng giò heo, lá hoa ban đồ, nộm hoa ban…
Ăn món ngon từ hoa, lá ban, không thể thiếu đồ chấm chẩm chéo hay chéo pa.
“Ban trắng, ban đỏ, ban nào cũng ăn được hết, miễn là ban… Lá ban giúp mau lành vết thương, hoa ban ăn đẹp da, hạt ban luộc hay nướng ăn để tăng cường trí nhớ. Hoa ban hầm xương, hầm móng giò, hầm gà, hầm cá; Hoa ban xào thịt, gan, lòng già; Hoa ban đồ, nộm với hoa riềng rừng, rau rớn, trộn vừng, lá ban đồ chấm với chẩm chéo, chéo pá…”, anh bạn tôi tỏ ra vô cùng sành sỏi về ban. Mỗi một vùng quê có một thứ để ăn, để thưởng thức, rồi nhớ.
Cũng có những loại rau là thức ăn riêng của từng vùng hay của từng dân tộc, nhưng cũng có nhiều loại rau đều có ở xứ Nam, xứ Bắc, chỉ khác nhau ở cách nấu và gia vị cùng bàn tay của “bếp chủ” mà thôi.
Cây ban ngay cửa quán đã trút gần hết lá già. Hoa ban không hẳn trắng, cũng không hẳn đỏ, mới he hé cánh, phất phơ trong gió. Nhìn cây ban bên hè phố rồi nhìn chị quét rác dưới lòng đường đưa từng nhát chổi, tôi không tin đó lại là một cây rau, một loại rau mà từ lâu đã trở thành đặc sản vùng Tây Bắc.
Lão bạn tôi chỉ cho xem cái chảo đỡ cái chõ gỗ đồ lá ban đang bốc hơi âm ỉ trên bếp củi: “Ông thấy cái mùi ngai ngái, đăng đắng chưa? Chính nhờ cái ngai ngái, đắng đắng ấy mà nó quyến rũ bao nhiêu cái chén, cái chai đế đấy. Tôi sợ lúc ăn xong ông còn không đứng dậy được…”.
Chẩm chéo là gì?
Bát chẩm chéo hay chéo pa được bưng ra đầu tiên, nhìn vào đen nhẻm như một bát than thì đúng hơn, nhưng thử chạm đầu đũa vào, đưa lên môi, sẽ thấy ngay mùi thơm lừng. Cái thơm kéo người ta vào cơn đói, vào sự thèm muốn và kích thích cả ngũ giác.
Lão bạn tôi lấy đôi đũa khuấy tròn một cái quanh bát chẩm chéo, gõ vào miệng bát, rồi bảo: Cái chẩm chéo này là cả một nghệ thuật pha chế của vùng núi Tây Bắc đấy ông ạ. Người ta gói muối trắng vào lá ngái, gói ớt thóc, loại ớt quả nhỏ, nhưng phải còn xanh vào lá chuối rồi vùi cả hai thứ đó vào than nóng trong bếp.
Làm sao cho muối cũng cháy xem xém, còn ớt xanh phải cháy đen đen là được. Mang ra đổ vào bát giã nóng như thế, giã đến đâu cho ngay rau mùi, rau thì là, húng chanh, ít hạt dổi, sa nhân, thảo quả, hoa hồi, vỏ quýt khô vào. Và khi đã giã mịn thì thêm vài ba lát gừng, nghiền kỹ.
Chỉ một bát nước chấm gọi là chẩm chéo hay chéo pa thôi mà làm công phu thế đấy. Nhưng cũng thật đáng nể, chỉ cần bớt đi chút gừng, thêm vào chút riềng là để chấm thịt trâu, thịt bò đồ hay luộc, còn cho thêm ít đường là để chấm rau dớn phơi dở dang hay rau tập tàng trần nộm. Và khi thêm ít mật ong là để chuốt đều lên thân cá hấp hay gà quay. Vẫn là chẩm chéo, chéo pa không đường, không mì chính, gia thêm gừng, tăng sa nhân, hoa hồi, thảo quả thì sẽ biến thành thức chấm gỏi cá, gỏi tôm…
Ôi, đúng là một món phụ mà lại trở thành món chính cho bao nhiêu thực đơn, một nghệ thuật ẩm thực linh hoạt vùng đất Mường, đất Thái.
Ai bảo hoa lá không ngon
Đĩa lá ban non đồ được bà chủ quán bưng lên bốc hơi nghi ngút, mùa đông mà, cái hơi ấm của mùi đắng loang ra khắp phòng.
Lão bạn tôi lại lấy đũa chỉ vào đĩa lá ban non dẻo queo: “Thử đi ông, càng nóng càng ngon, càng ngon càng muốn ăn nữa, ăn đến phát nghiện, đến thèm về Tây Bắc thì thôi”. Lão lấy đầu đũa gắp vào đầu đọt ban mềm nhũn, xanh tơ, rồi với cái cách sành ăn, lão khuấy tay một nhát, chiếc lá ban đồ kỹ, vấn tròn lại chỉ nhìn thôi đã không kìm được sự thèm khát.
Thêm một lần khuấy nữa, rồi với tay đưa cái đọt ban đồ ấy vào bát chẩm chéo, khẽ nghiêng bát đón cho vào miệng.
Hai cái hàm lão làm việc liên hồi, rồi lão với tay, cái chén rượu ong đất, một đặc sản Sơn La, nằm gọn trong miệng lão. Tôi cũng không thể “phanh” được, nên làm theo, nhưng chắc phải nhiều mùa hoa ban nữa tôi mới có thể thuần thục được như thế…
Bà chủ quán Lò Hoa lại bê ra hai đĩa hoa ban xào, một bát canh hoa ban hầm móng giò. Mùi vị thật đặc biệt, cái mùi vị thôi thúc từ hoa, từ lá, từ một loại cây rừng mà trước đây tôi cứ nghĩ chỉ để làm cảnh sắc đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc thì nay lại đang làm tôi say trên mâm cơm giữa đất trời, mây gió cao nguyên.
Múc một muôi, rồi hai muôi, ba muôi… sóng sánh nước hoa ban, cánh hoa ban nhừ nhừ trong bát canh hầm, thực sự khó miêu tả bằng lời, mà chỉ có ăn, có thưởng thức mới cảm được mùi vị đặc trưng của nó. Nhưng cũng chưa chắc ai ăn rồi cũng đều thẩm thấu hết cái ngon hiếm thấy từ sâu thẳm.
Hoa ban xào, hoa ban hấp, lá ban non đồ, nộm hoa ban và hoa ban hầm móng giò, đặc biệt bát nước chấm chẩm chéo hay chéo pa sẽ còn kéo tôi về Tây Bắc, kéo tôi về Sơn La, một thành phố trẻ, nơi có thảo nguyên mênh mông và có mùa hoa ban trắng rừng, trắng núi, hồng bản, hồng mường.
Nguyễn Quang
Ngỡ Ngàng Ngắm Hoa Ban Rồi… Chén
Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La) đang xây dựng tour khép kín ngắm hoa ban, học cách chế biến món ăn từ hoa ban rồi… đánh chén! Sản phẩm du lịch này vừa lãng mạn, tinh tế và ngon miệng!
Kể cũng lạ, dường như ở vùng Tây Bắc này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Để đến mùa ban, các bà các cô lại tranh thủ lúc đi nương hái một giỏ hoa về chế biến thành nhiều món ngon.
Rẽ lối lên rừng hoa
Chỉ khi hoa mận, hoa đào tàn dần theo mùa xuân, hoa ban mỏng manh, khiêm nhường mới khoe sắc trắng.
Đúng thời điểm ban nở rộ đẹp nhất ở huyện Mộc Châu, bà Lữ Thị Mai (dân tộc Thái trắng ở bản Áng 2, xã Đông Sang) dẫn chúng tôi lên rừng lấy hoa. Đứng dưới chân núi nhìn lên, chỗ thì ban nở trắng núi trắng đồi, nở trắng muốt dọc ngang trên các con đường. Ấy thế mà lần theo con đường đất đỏ hướng tới những cánh ban trắng phất phơ chờ đợi, đoàn khách cũng mất tới gần nửa giờ đồng hồ vì phải lần mò qua những đám cây bụi.
Bà Mai nhẹ nhàng hái từng bông hoa ban.
Mồ hôi lấm tấm, tay chân xước xát vì gai cào nhưng chúng tôi đều phấn chấn khi đứng dưới rừng ban rập rờn hoa. Những cánh hoa phơn phớt hồng đan cài, ôm ấp lấy nhau. Trên đỉnh cao lộng gió, hương hoa ban lúc thoang thoảng, khi ngào ngạt đủ để khiến nổ ra một cuộc tranh cãi nhỏ mọi người bắt đầu tranh cãi xem giống mùi thơm của loại hoa nào? Ngọc lan, lan rừng hay hoa hồng? Còn tôi chắc chắn đó là hương hoa… ban!
Tiếng Thái, ban nghĩa là đẹp, ngon và gắn liền với thân phận người phụ nữ Thái mảnh mai, chung tình. Có lẽ bởi thế, bà Lữ Thị Mai hái hoa nhẹ nhàng, nâng niu lắm. Bàn tay níu nhẹ cành ban dày đặc hoa xuống, khẽ dùng móng tay bấm từng cuống hoa, rồi nhẹ nhàng thả vào chiếc giỏ đeo bên hông. Hoa ban lạ thế, trên cây tươi tắn rạng ngời, nhưng rời cành một lát đã ủ rũ héo hắt rồi. Nếu lỡ tay vò nát, hoặc để giập cánh, mang về đến nhà sẽ thâm đen lại, ăn cũng không còn ngon ngọt nữa.
Bà Mai vừa hái hoa, vừa kể cho chúng tôi câu chuyện tình thủy chung giữa nàng Ban xinh đẹp với chàng Mạ kiêu dũng ở quê bà. Đó là khởi nguồn của hai loài hoa gắn liền với lễ hội Hết Chá của người Thái xã Đông Sang.
Nhặt cánh và nhụy hoa ban để chế biến món ăn.
Món ngon từ hoa ban
Về nhà bà Mai, chúng tôi bắt tay học chế biến món ăn từ hoa ban! Nào là hoa ban xào, nộm, nấu canh, nhồi cá (trần hoa, bóp nhuyễn, nhồi vào bụng cá), nhồi thịt gà nướng…
Bà Mai tủm tỉm: “Mỗi món có cách chế biến riêng của nó. Từ ban xào, ban đồ, ban nhồi đều phải công phu, tỉ mỉ”. Hoa ban hái về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa nhẹ nhàng đem rửa nước sạch, trần qua nước nóng. Để ráo nước, đem vò nát rồi trộn thịt băm, gia vị rồi nhồi cá, gà. Hoặc đem xào măng, nấu canh, thổi xôi, làm nộm cùng các loại rau khác…
Sau chừng hai giờ, bữa cơm hoa ban được dọn ra. Chiếc mâm truyền thống của người Thái hôm nay sáng bừng lạ lùng nhờ một hình trái tim xếp bằng hàng chục bông hoa ban, bao quanh các món ăn. Măng đắng xào bình thường có vị đăng đắng của măng, nhưng xào cùng hoa ban lại phảng phất thêm cái ngòn ngọt, bùi bùi. Bà Mai mời chúng tôi món canh khẩu bưa (canh xương nấu với bột gạo nếp, hoa ban), thấy vị ngọt của bột gạo, canh xương. Gắp mấy cánh ban đưa lên miệng thấy ngọt mát, lại mềm. Mềm vậy song cánh hoa không nát!
Xem cách chế biến và thưởng thức mâm cỗ hoa ban, phóng viên Hồng Thuận của kênh truyền hình VTC8 nhận xét đã đi nhiều vùng, thưởng thức nhiều món lạ. Nhưng chưa đâu thấy có nghệ thuật ẩm thực tinh tế, lấy một loài hoa rừng làm trung tâm như vậy.
Mâm cỗ đặc sắc từ hoa ban.
Uống cạn chén rượu chia tay với chủ nhà, chúng tôi hẹn quay sẽ lại Mộc Châu để tận hưởng cảm giác một tay cầm kẹp nướng, tay kia khẽ quạt than, mắt nheo nheo vì khói, mũi không nhừng hít hà mùi thơm các loại gia vị quyện trong những món ăn hấp dẫn.
Bà Lữ Thị Mai cho biết thêm đã cùng một số bạn cùng bản thành lập Câu lạc bộ du lịch Hoa Ban, phục vụ biểu diễn văn nghệ, ăn ngủ cho khách du lịch và kiêm luôn hướng dẫn viên dẫn đi ngắm hoa, dạy chế biến hoa.
Hoa ban thường nở nhiều trên vòng cung du lịch Tây Bắc từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 Dương lịch. Tại Sơn La, ban mọc nhiều nhất ở Mộc Châu (trùng với thời điểm người Thái tổ chức lễ hội Hết Chá), Yên Châu, TP. Sơn La. Ông Ngô Thành Đạo, chuyên viên Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu, cho biết, cơ quan này vừa kết nối các dịch vụ để hoàn thiện sản phẩm dẫn khách ngắm rừng hoa ban tại bản Áng 2 (hoặc thị trấn Mộc Châu, xã Chiềng Hắc, Chiềng Khoa…), hái hoa ban rồi về nhà dân học chế biến món ăn từ hoa ban.
Ban quản lý sẽ tư vấn miễn phí các thông tin cần thiết để khách và lữ hành tiếp cận với tour này.
Thơm Ngon Các Món Nộm Từ Hoa Đu Đủ
Điện Biên TV – Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Điện Biên có nhiều món ăn thể hiện sự độc đáo trong việc lựa chọn nguyên liệu cũng như cách chế biến. Bên cạnh đó, thực phẩm trong bữa ăn chủ yếu của đồng bào là các loại rau, măng, nấm, củ quả hay các loại hoa tự trồng hoặc có sẵn trong tự nhiên và được thu hái gần như quanh năm. Đặc biệt là từ các nguồn lương thực thực phẩm hết sức dồi dào, phong phú đó, đồng bào đã chế biến thành nhiều món ăn vừa đơn giản, có lợi cho sức khỏe mà không kém phần đặc trưng.
Văn hóa ẩm thực của người Thái Điện Biên chính là nét sinh hoạt văn hóa đồng thời còn thể hiện một nghệ thuật sống: Sống hài hòa với thiên nhiên. Người Thái Điện Biên vốn rất giỏi trong việc tận dụng những sản vật thiên nhiên ban tặng để làm phong phú cho nền văn hóa ẩm thực của họ.
Bởi các loại rau, măng ở trong rừng, khai thác về có các mùi vị khác nhau: Có vị chát, vị chua, vị nồng và có vị đắng… và nhờ sự đúc kết kinh nghiệm lâu đời, sự khéo léo trong phối trộn người Thái Điện Biên đã chế biến thành các món ăn ngon, lạ miệng và không kém phần hấp dẫn. Thậm chí có những món ăn nhờ sự phối trộn khéo léo của các loại gia vị, khai thác đúng thời điểm, đúng đối tượng sử dụng còn trở thành những vị thuốc tốt và nộm hoa đu đủ chính là một món ăn như vậy.
Hoa Đu Đủ
Cây đu đủ vốn được biết đến có hai loại là đu đủ đực và đu đủ cái. Cũng đúng với tên gọi nên đu đủ cái chính là cây đu đủ ra hoa và có khả năng kết trái. Còn cây đu đủ đực không có trái mà chỉ có hoa nở quanh năm. Hoa đu đủ đực có màu trắng hoặc xanh pha vàng, có 5 cánh.
Bên cạnh việc là thành phần của các bài thuốc chữa bệnh thì người Thái còn biết tận dụng hoa đu đủ để chế biến thành các món nộm thơm ngon, hấp dẫn và rất lạ miệng. Để làm món nộm hoa đu đủ không hề khó, nhất là món ẩm thực có nhiều ý tưởng sáng tạo và kết hợp. Do đó, điều quan trọng của món nộm hoa đu đủ đó là việc chọn lựa các loại gia vị để nộm sao cho phù hợp thì món ăn mới có được hương vị hài hòa, thơm ngon và hấp dẫn. Có một điều dễ nhận thấy đó là món nộm hoa đu đủ thường đem đến cho thực khách một cảm nhận về sự đơn giản, song nếu được tận mắt chứng kiến cách chế biến món ăn này thì đó lại là một sự cầu kỳ hiếm thấy. Với hoa đu đủ sau khi được lấy về thì cần phải nhặt bỏ cuống dài, chỉ lấy mỗi phần bông rồi đem sửa sạch và cho luộc chín trong khoảng thời gian 7-10 phút, đảm bảo nguyên liệu đủ mềm không chín nũn nhưng cũng không quá dai. Với tai lợn cũng phải luộc chín sau đó thái mỏng để nhanh ngấm gia vị hơn.
Tiếp đó là cần chuẩn bị các nguyên liệu đi cùng như nước cốt chanh hoặc quất (người Thái thường sử dụng quất trong món ăn này bởi quất có vị chua dịu và mùi thơm đặc trưng, bắt vị hơn), tiếp đó là cần có vài tép tỏi, lá chua chát, củ xả và măng giềng. Theo kinh nghiệm thì măng riềng ngon phải là những búp măng còn non, chưa mọc thành lá, đầu nhọn hoắt, màu phơn phớt hồng, mỗi ngọn măng riềng thường cao từ 20-25cm.
Khi hái măng riềng về, người ta dùng tay bóc tách vỏ bọc bên ngoài để lấy phần đọt non bên trong. Bóc măng riềng phải thật khéo léo để lựa lấy cả phần lõi và phần vỏ non của cây măng. Còn lá chua chát (theo tiếng của đồng bào Thái gọi là xổm phát) là loại lá có đặc tính hết sức kỳ lạ, đó là khi ăn kèm các loại rau, măng hay hoa có vị đắng thì lập tức chuyển thành vị ngọt, hơi chát, rất thú vị. Món nộm hoa đu đủ khi thưởng thức sẽ có vị hơi đắng, pha lẫn với vị ngọt nhẹ của măng giềng, cảm giác giòn, ngon của tai lợn cùng vị thơm của tỏi. Nếu thực khách ngại vị đắng của hoa đu đủ thì nên gém cùng với lá chua chát sẽ giúp miếng nộm ngon, ngọt hơn.
Tất cả những thứ nguyên liệu này hòa quyện với nhau giúp cho món ăn vừa lạ miệng, vừa ngon lại rẻ và đặc biệt nhất theo quan niệm của bà con dân tộc Thái thì còn ngăn được nhiều chứng bệnh, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra hoa đu đủ còn có thể xào với thịt trâu hoặc đơn giản là luộc lên chấm với với chẳm chéo pha chút xả cũng rất hợp vị. Cùng với dân tộc Thái thì dân tộc Lào Điện Biên cũng có cách chế biến món nộm với hoa đu đủ khá đặc biệt, đó là kèm với rau sắn, ngọn ban, quả cà, củ xả, gừng, ớt, lá chua chát. Và món hoa đu đủ nộm thập cẩm cũng chính là món ăn quen thuộc trong mâm cơm hàng ngày của người Lào.
Có thể nói, cùng với các nguyên liệu khác của món ăn thì rau sắn cũng là loại rau quen thuộc của không ít đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở nước ta, có rất nhiều món ngon từ rau sắn như rau sắn kho cá, hay canh chua rau sắn đều được xếp vào hạng đặc sản. Ở Điện Biên, ngoài nộm với hoa đu đủ thì người Lào thường nộm rau sắn chung với các loại rau rừng khác vừa ngon lại vừa mát. Với một lưu ý nhỏ là nên chọn búp sắn non chỉ tầm 1-2 lá và nếu ngọn rau mọc trong bóng cây (khuất bóng) thì cũng sẽ đỡ chát và mềm hơn nhiều.
Nộm hoa Đu Đủ
Với các nguyên liệu khác từ ngọn ban, quả cà, củ xả, gừng, ớt, lá chua chát thì đều có sẵn trong vườn hoặc quanh nhà, đặc biệt các loại rau này thường không bị sâu bệnh do đó không cần phun thuốc hoá học mà rau vẫn rất xanh tốt, tươi ngon và an toàn.
Sau khi làm sạch các nguyên liệu thì cho riêng hai loại là rau sắn và hoa đu đủ vò nát trong nước có ngâm một chút muối rồi mới bắc lên bếp luộc cho ra bớt nhựa. Sau khi luộc xong thì vò một lần nữa rồi đem thái nhỏ và trộn với các gia vị như tỏi, xả, ớt, lạc rang giã nhỏ, bột canh và mì chính. Có thể nói, nộm hoa đu đủ lá sắn không phải là món ăn cao lương mỹ vị, cũng không phải là món ăn coi trọng hình thức nhưng đòi hỏi người chế biến phải rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đó cũng chính là đặc trưng của món ăn giản dị mà dân giã này. Bên cạnh đó thì món nộm hoa đu đủ lá sắn rất dễ chinh phục người ăn bởi mùi vị thơm ngon lạ miệng, cùng sự kết hợp ăn ý của các nguyên liệu tạo cảm giác nồng ấm như mảnh đất chân núi người Lào định cư.
Thế mới biết từ thiên nhiên vốn có rất nhiều nguyên liệu để tạo ra những món ăn thơm ngon và không kém phần có lợi cho sức khỏe, song quan trọng hơn cả là cách con người vận dụng, tìm tòi, sáng tạo vào đời sống để có thể đổi món, cũng như tạo cảm giác ngon miệng hơn trong những bữa cơm quây quần bên gia đình và người thân hay có dịp thiết đãi bạn bè phương xa, để vị hoa đu đủ đăng đắng, các loại rau, quả ngọt bùi tựa tình người, tình đất, núi sẽ khiến thực khách ăn một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên./.
Lý Như Quỳnh – Huy Long/DIENBIENTV.VN
Ba Món Ăn Bổ Dưỡng Từ Hoa Atiso
Atiso hầm giò heo là một món đặc sản thơm ngon không nên bỏ qua khi đến Đà Lạt – Ảnh: Kevin Hieu.
1. Canh atiso hầm giò heo
Canh atiso hầm giò heo là cứu tinh cho những người hay bị mất ngủ, phần đế của hoa atiso ăn rất bổ do đó đừng bỏ đi khi thưởng thức món ăn này. Cách chế biến món ăn cũng không tốn quá nhiều công sức. Chỉ cần cho 1 lít nước mới vào nồi, cùng chân giò và cả hoa atiso, nêm thêm gia vị cho vừa miệng, ninh trong khoảng 45 phút là bạn đã có món ăn giải độc gan bổ dưỡng. Nếu dùng nồi áp suất thì bạn nhớ rút ngắn thời gian lại còn khoảng 20 phút. Có thể thêm các loại rau củ khác tùy ý để món ăn thêm bổ dưỡng.
Canh atiso hầm giò heo đạt chuẩn là nấu xong nước phải trong, ngọt thanh và chân giò được hầm nhừ, hoa chín mềm nhưng không bị bở. Một lưu ý nhỏ là hoa atiso gần như có thể ăn tất cả phần mềm, chỉ bỏ bã đi thôi. Món atiso hầm được dùng khi nóng, với nước mắm ớt cay, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hương vị rất Đà Lạt: cay cay, nồng nồng, nghi ngút khói và khiến người ta nhớ mãi không quên.
Cách trang trí bắt mắt cũng góp phần làm món ăn ngon miệng hơn – Ảnh: Dola Jung .
2. Hoa atiso hấp
Đơn giản và nhanh gọn là tiêu chí hàng đầu của món ăn này, sau khi để ráo nước, cho bông atiso vào nồi hấp rộng. Phần dưới nước nấu sôi với lá đinh hương, vài lát chanh tươi và nguyệt quế để thơm nồng hương cho món ăn. Thời gian hợp lý để nấu món ăn này là trong vòng khoảng 25-45 phút, tất cả phụ thuộc vào số lượng và trọng lượng của các bông, bạn nên canh sao cho bông vừa chín tới, nếu quá mềm và nhũn thì món ăn sẽ mất ngon.
Với vị ngọt, tính mát và tác dụng giải nhiệt thì bông atiso thích hợp để thưởng thức trong những ngày hè oi bức. Có những buổi trưa thời tiết Đà Lạt khá nóng, hoa atiso hấp sẽ giúp bữa ăn trở nên thanh mát và tăng khẩu vị cho bạn. Khi ăn nên chấm cùng mắm ớt để tăng thêm vị đậm đà và khiến món ăn không bị nhàm chán.
Nên chọn những búp hoa non để món ăn ngon hơn – Ảnh: Nguyen Tram.
3. Atiso nhồi thịt
Món ăn vừa bổ dưỡng lại bắt mắt, cách chế biến cũng không quá công phu, nếu bạn là tín đồ của atiso thì đừng bỏ qua món ăn này. Hoa atiso sau khi mua về tách bỏ lá già, cắt rời phần cuống và đầu hoa, sau đó rửa sạch và để ráo. Lấy phần cuống hoa đã cắt trước đó tước sạch vỏ và ninh kĩ để lấy nước dùng, chất từ hoa tiết ra sẽ cho ra nước rất ngọt mà không cần phải thêm thịt. Phần nhân để nhồi vào hoa sẽ tùy thích theo khẩu vị của bạn, ngon nhất là thịt băm cùng nấm mộc hương băm nhuyễn. Trước khi nhồi nhân vào hoa bạn nhớ nêm nêm cho hợp khẩu vị và đợi phần nhân thấm đều. Thời gian thích hợp để hấp vừa chín món ăn này là vào khoảng 20 phút, bông sẽ không quá mềm và thịt cũng đủ độ nhừ.
Khi ăn bạn dùng dao bổ hoa thành 4 phần và đừng quên ăn kèm với với nước dùng đã được đun từ cuống hoa trước đó. Hoa sau khi hấp mềm thơm, phần nhân đã được ướp nên vị đậm đà, kèm thêm nước ninh hoa có vị ngọt nên món ăn không hề bị ngán.
Atiso là nguyên liệu khá kén người ăn, nhưng một khi đã thấm được vị ngon của nó chắc chắn bạn sẽ yêu ngay những món ăn này. Đến Đà Lạt đừng quên thưởng thức các món ăn được chế biến từ atiso – đặc sản có một không hai của phố núi.
Bạn đang xem bài viết Món Ngon Từ Cây Hoa Ban trên website X-bikeman.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!